Nhà An Tâm - Hệ thống báo động và an ninh gia đình
Khoảng 1 giờ sáng 30-3, không ai ngờ đó là thời điểm đại họa xảy ra đối với gia đình ông Lục Chân Tâm, sinh năm 1967, ngụ tại số 899, đường Nguyễn Thị Ðịnh, phường Cát Lái, TP Thủ Ðức. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, hỏa hoạn đã cướp của gia đình ông Tâm đến sáu người thân, mất mát quá lớn không có gì bù đắp nổi. Cơ quan chức năng vẫn đang khẩn trương khám nghiệm hiện trường để tìm ra nguyên nhân.
Trước đó ít ngày, một vụ hỏa hoạn thương tâm khác cũng đã xảy ra tại một căn nhà trên đường Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8. Qua khám nghiệm hiện trường, các cơ quan chức năng phát hiện ba người chết trong căn nhà gồm hai người lớn và một trẻ em là các thành viên trong một gia đình.
Cũng trong ngày 30-3, vào khoảng 22 giờ, bãi tạm giữ phương tiện (xe máy) vi phạm giao thông trên đường Thống Nhất, phường Bình Thọ, TP Thủ Ðức bốc cháy dữ dội. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) phải mất hơn một giờ mới khống chế được đám cháy và ngăn cháy lan sang các khu vực khác. Tuy không có thương vong về người nhưng thêm một lần nữa đây là lời cảnh báo về ý thức PCCC, nhất là trong giai đoạn TP Hồ Chí Minh đang bước vào cao điểm mùa khô.
Sáu ngày, chín người chết trong các vụ cháy ở khu dân cư cùng nhiều tài sản bị thiêu rụi là mất mát quá lớn đối với gia đình các nạn nhân; để lại hậu quả không nhỏ với xã hội. Ðó là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với công tác kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống cháy, nổ của các cơ quan chức năng và người dân sinh sống tại các khu dân cư…
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PC07), Công an TP Hồ Chí Minh, một trong các nguyên nhân khách quan dẫn đến hỏa hoạn ở các khu vực dân cư hiện nay là do nhiều nơi cơ sở hạ tầng đã cũ, xuống cấp, thiếu các điều kiện an toàn PCCC. Nguyên nhân xảy ra cháy do sự cố về điện vẫn chiếm tỷ lệ cao, trong đó nhiều hộ gia đình vi phạm các quy định an toàn trong việc lắp đặt, sử dụng hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện một cách tùy tiện, không kiểm soát mức độ an toàn của các thiết bị điện cũng như dây dẫn điện một cách thường xuyên. Nhiều hộ gia đình không có lối thoát hiểm, chỉ có một cửa ra vào chung và ban đêm thường để xe gắn máy chắn hết cửa…
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố có gần hai triệu hộ gia đình, trong đó có hơn 300 nghìn hộ gia đình kết hợp nhà ở với kinh doanh, dịch vụ. Ðại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng PC07 cho biết, khảo sát thực tế cho thấy, có ba nhóm nguyên nhân chính dẫn đến cháy, nổ tại các nhà dân. Ðó là ý thức chấp hành quy định về an toàn PCCC của chủ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh còn hạn chế; người dân còn xem nhẹ sự an toàn cho chính bản thân và gia đình; vi phạm các quy định trong việc sử dụng điện, sử dụng các thiết bị điện kém chất lượng. Trên cơ sở đó, PC07 đã yêu cầu các đơn vị triển khai việc thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn về phòng, chống cháy, nổ đến các hộ gia đình, khu dân cư. Quan trọng nhất là mong muốn mọi người nêu cao ý thức, tự giác, chủ động trong việc phòng, chống cháy, nổ tại gia đình, từ những việc nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày cũng có thể chủ động phòng ngừa nguy cơ hỏa hoạn...
Là đơn vị quản lý hệ thống điện phân phối trên địa bàn, thời gian qua, ngành điện TP Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ để chủ động phòng, chống cháy, nổ do sử dụng điện tại hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) Bùi Trung Kiên cho biết, EVNHCMC đã thực hiện bổ sung các nội dung cam kết bảo đảm an toàn điện, an toàn phòng, chống cháy, nổ do sử dụng điện vào hợp đồng mua bán điện sinh hoạt với khách hàng. Khảo sát, tư vấn sử dụng điện an toàn trong các nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất chỉ tiêu ít nhất 72 nghìn hộ trong năm 2021. Kiểm tra dây thông tin, đèn chiếu sáng dân lập, dây điện câu lại sau điện kế. Phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra an toàn sử dụng điện, hệ thống điện, thiết bị điện tại các cơ sở sản xuất, chợ, cửa hàng xăng dầu, nhà trọ,… đề xuất xử lý kịp thời các trường hợp sử dụng điện không an toàn, có nguy cơ xảy ra cháy, nổ…
Bên cạnh các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phòng, chống cháy, nổ, kỹ năng thoát hiểm, để hiện đại hóa công tác PCCC, Công an TP Hồ Chí Minh đang triển khai đề án nâng cao năng lực PCCC - Cứu nạn cứu hộ trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Trong đó, trang bị bổ sung thêm 72 phương tiện cơ giới; lắp mới 4.505 trụ nước; triển khai 1.873 bể nước chữa cháy có thể tích hơn 50 m3; có 802 bến, điểm có thể sử dụng để lấy nước chữa cháy. Thành phố cũng đề xuất Chính phủ cho triển khai những cơ chế đặc thù trong công tác PCCC vì đây là đô thị lớn, đông dân cư, có nhiều vấn đề phát sinh.
Nguồn: Báo Nhân Dân